Nguồn gốc Quỳ

Quỳ được thầy thuốc người Tây Ban Nha là Arnaldus de Villa Nova (~1240-1311) sử dụng lần đầu tiên vào khoảng năm 1300.[1][2] Từ thế kỷ 16 trở đi, khi thông tin về phương pháp sản xuất quỳ được phổ biến thì thuốc nhuộm màu xanh lam được chiết từ một số loài địa y như Leuconora tartarea và Rocella tinctoria được sản xuất ở quy mô công nghiệp, đặc biệt là tại Hà Lan với các nhãn hiệu Bergmoos và Klippmoos để xuất khẩu. Năm 1704, nó được đặt tên gọi trong tiếng Hà Lan là lakmoes - từ leg (nhỏ giọt) và mus (cháo) trong ngữ hệ Ấn-Âu, phản ánh phương pháp sản xuất nó bằng cách chiết nhỏ giọt địa y nghiền vụn như cháo. Tên gọi là tiền đề cho các tên gọi trong một số ngôn ngữ châu Âu như tiếng Anh litmus, tiếng Đức lackmus, tiếng Nga лакмус.

Năm 1640, các nhà thực vật học mô tả một loại thuốc nhuộm thu được từ loài thực vật có hương thơm với hoa màu tím tía là vòi voi (Heliotropium spp.). Ban đầu các nhà hóa học sử dụng nó làm chất chỉ thị (do trong dung dịch axit nó chuyển thành màu đỏ, còn trong dung dịch kiềm thì nó chuyển thành màu xanh lam). Ban đầu quỳ được dùng chủ yếu để nghiên cứu nước khoáng, nhưng kể từ thập niên 1670 thì các nhà hóa học đã quan tâm tới nó nhiều hơn. Do tại Pháp thì quỳ cô lập từ Heliotropium được các nhà hóa học sử dụng rộng rãi nên một tên gọi khác cho quỳ được chấp nhận tại Pháp là tournesol - theo tên gọi trong tiếng Pháp cho Heliotropium. Muộn hơn thì toàn bộ bột quỳ được sản xuất theo cách thức rẻ tiền hơn là thu từ địa y.

Liên quan